Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

Tạo không gian kiến trúc cho cửa sổ.

Ngoài mang ánh sáng thiên nhiên vào nhà, cửa sổ còn có tác dụng hiệu quả trong việc điều tiết không khí, tạo sự thông thoáng và đối lưu trong phong thủy.

Việc chọn vị trí cửa sổ là khâu rất quan trọng. Bởi nếu bố trí không thích hợp không những làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc mà còn đi ngược lại tác dụng của nó. Trước hết cần dựa vào vị trí, bố cục bên trong và bên ngoài nhà.

Tùy theo cách sắp xếp đồ đạc trong nhà mà ta có thể chọn những vị trí thích hợp. Với công năng là lấy ánh sáng, nên phải chọn những vị trí thông gió để sử dụng gió và ánh sáng tự nhiên được tốt nhất, tiết kiệm điện, đồng thời có lợi cho sức khỏe. Phòng khách là vị trí cần có nhiều ánh sáng nhất. Ít nhất cần có một mặt phòng khách giáp thiên nhiên để đảm bảo sự thông thoáng cần thiết.

Phòng học và phòng làm việc là nơi cũng cần nhiều ánh sáng tự nhiên. Tùy vào cách bố trí đồ đạc trong phòng để chọn vị trí cửa sổ thích hợp. Cửa sổ thường bố trí bên trái phía bàn học, tránh ánh sáng trực diện chiếu vào gây chói mắt, còn nếu bố trí bên phải có thể bị xấp bóng. Tương tự như vậy, đối với phòng ngủ, không nên bố trí ở phía đối diện. Cũng không nên đặt ở đầu giường, bởi vì ánh sáng chiếu vào đầu khiến ta cảm thấy đau đầu. Gió mạnh lùa vào còn gây nên những chứng đột quỵ ở những người có tiền sử về tim mạch. Còn nếu đặt đối diện với giường nằm thì sẽ làm ta chói mắt khi ngủ, dễ gây nên các bệnh về tâm thần. Đối với giường ngủ của trẻ nhỏ thì không nên bố trí cửa sổ, vì làm trẻ dễ bị giật mình.

Cửa sổ cũng không nên đặt cạnh giường tủ, mưa gió có thể làm cho chúng nhanh bị hỏng. Ngoài ra, nếu ở những vị trí bên ngoài có những cây to thì không nên mở cửa sổ hướng đó, tránh lá rụng và sâu bọ vào nhà. Đối với nhà biệt thự, nhà dài thì có thể thiết kế cửa sổ mái. Vừa có tác dụng lấy sáng, vừa để trang trí.

Mặt tiền cũng là một yếu tố quyết định tới vị trí cửa sổ. "Đôi mắt" này là nơi giao lưu giữa bên trong và bên ngoài, vì vậy mà nó thường được thiết kế để view ra những hướng đẹp nhất. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn quá lạm dụng cửa sổ, tường có thể bị nát và bố cục không chặt chẽ, thiếu những mảng đặc.

Đối với nhà nghỉ cuối tuần, khu resort, nhà vườn thì những ô cửa kính to, chạy dài thường được sử dụng để tạo cảm giác hòa nhập với thiên nhiên. Do đó, cửa chính và cửa sổ không có sự khác nhau về hình thức nhiều. Trái lại, với nhà ở, thường xuyên sử dụng đến cửa sổ, do nắng mưa tác động nên phải tuân theo bố cục mặt đứng để làm điểm nhấn cho ngôi nhà.

Ngoài yếu tố về bố cục trong và ngoài, gia chủ cũng cần quan tâm tới hướng mở cửa sổ để tránh nắng gắt, gió mạnh. Ở những nơi có khí hậu lạnh như ở một số nước, thường chạy băng cửa sổ dài. Còn với khí hậu Việt Nam là nhiệt đới, nên bậu cửa được chú ý trong thiết kế kiến trúc. Hướng đẹp để bố trí cửa sổ là hướng Đông và Nam. Không nên mở cửa hướng Tây. Điều kiện nhà lô chỉ có 1, hoặc 2 hướng bắt buộc phải mở hướng Tây thì bạn có thể thiết kế các ô văng để chống nắng, hơn nữa cửa sổ không nên bố trí lớn. Rèm cửa cũng là một biện pháp cho cửa sổ mở hướng Tây và còn làm đẹp cho ngôi nhà. Ngoài ra bạn có thể treo thêm chuông gió, tuy nhỏ bé nhưng nó có tác dụng kỳ diệu, đó là tiêu tán, hóa giải xung khí, biến hung thành cát đem lại may mắn cho căn nhà.

Tác dụng của cửa sổ là điều tiết không khí, vì vậy mà lượng khí vào và ra trong phòng là một yếu tố để quyết định vị trí, số lượng cửa sổ. Bố trí sao cho lối vào và lối ra càng xa nhau càng tốt. Chỗ cửa đón không khí vào thường bố trí rộng hơn lối ra. Điều này giúp cho không khí đi vào được nhiều và lưu giữ lại được phần nào trước khi nhẹ nhàng ra ngoài.

Tuy là một chi tiết nhỏ trong nhà, nhưng nó cũng quan trọng như khi bạn chọn vị trí, hướng nhà vậy. Để có một ngôi nhà đẹp hoàn hảo, rất cần đến những bàn tay khéo léo cho những chi tiết nhỏ như thế. Với những yếu tố trên, cùng với diện tích nhà, bạn có thể tham khảo và bố trí vị trí, số lượng và kiểu dáng cửa sổ sao cho phù hợp, đạt hiệu quả sử dụng tốt nhất và tạo điểm nhấn cho không gian kiến trúc của ngôi nhà.

rdpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét